So sánh sản phẩm
Untitled 1

Chat Facebook

Spa chăm sóc bà bầu sau sinh tại nhà

TẤT TẦN TẬT VỀ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ MÀ MẸ BẦU NÀO CŨNG NÊN BIẾT

Ngày đăng : 22:07:25 10-01-2020

,

Hiện nay, bệnh tiểu đường thai kỳ đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều mẹ bầu. Theo các thống kê ghi nhận được có tới 5% phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Vậy tiểu đường thai kỳ là gì? Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh ra sao? Bệnh ảnh hưởng tới mẹ bầu cũng như thai nhi như thế nào? Cách phòng tránh và điều trị được triển khai theo phác đồ nào? Bài viết sau đây của Evacare sẽ giúp các mẹ giải đáp các thắc mắc nêu trên nhé.
 

 

Khái niệm về bệnh tiểu đường thai kỳ


Có rất nhiều định nghĩa về bệnh tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường thai kỳ). Một cách dễ hiểu nhất bệnh được định nghĩa là các trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, có khả năng có đái tháo đường từ trước nhưng chưa được chẩn đoán. Còn theo tổ chức Y tế thế giới, những người mắc phải bệnh được xác định là “tình trạng rối loạn dung nạp Glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”.

 

Làm thế nào để phát hiện tiểu đường thai kỳ ở bà bầu? 


Theo các chuyên gia y tế, tiểu đường thai kỳ không có biểu hiện rõ ràng nên nếu không làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, nghiệm pháp dung nạp Glucose thì rất khó phát hiện bệnh. Hiện nay tất cả phụ nữ mang thai đều phải làm xét nghiệm khám sàng lọc tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Qua đó mẹ bầu sẽ biết chính xác mình có mắc phải tiểu đường thai kỳ hay không.
 

 

Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai mắc tiểu đường

 

Ở điều kiện bình thường, tụy tạng có chức năng sản xuất Insulin để điều hòa đường trong máu. Tuy nhiên khi mẹ có bầu, các nội tiết tố của nhau thai làm rối loạn chu trình sản xuất Insulin. Cụ thể là bộ phận này phải sản xuất Insulin nhiều hơn, có khi gấp 2 lần bình thường. Xuất hiện hiện tượng đề kháng Insulin.Khi tụy tạng không đảm bảo sản xuất đủ lượng Insulin cần thiết cho cơ thể thì đường huyết sẽ tăng cao gây ra tiểu đường thai kỳ. 

 

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tình trạng thừa cân, béo phì, phụ nữ mang thai muộn (trên 35 tuổi), người bị hội chứng buồng chứng đa nang hoặc gia đình có tiền sử bị đái tháo đường...sẽ có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn mức bình thường.

 

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ tới mẹ bầu và thai nhi


Nếu không được điều trị kịp thời, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu như:

- Sẩy thai và thai lưu.

- Sinh non, nhiễm trùng tiết niệu, đa ối, viêm đài bể thận cấp.

- Tăng huyết áp từ đó dễ xảy ra tình trạng sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung.

- Các biến chứng nguy hiểm khác.

 


Ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới mẹ bầu, tiểu đường thai kỳ còn gây ra các ảnh hưởng xấu tới thai nhi và trẻ sau sinh như: 

- Thai không phát triển hoặc tăng trưởng quá mức, thai to.

- Nguy cơ tử vong sau sinh.

- Hạ Glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh sau này.

- Tăng hồng cầu ở trẻ sơ sinh.

- Trẻ bị các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp, đặc biệt là hội chứng nguy kịch hô hấp.

 

Ngoài ra nếu căn bệnh này xảy ra ở mẹ bầu có thể là nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh không mong muốn cho bé.

 

Phương án điều trị dành cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

 

Khi được phát hiện mắc phải căn bệnh này mẹ bầu không nên quá lo lắng và cố gắng làm theo các lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn các mẹ áp dụng chế độ ăn (giảm chất ngọt, giảm Glucid) để điều chỉnh Glucose máu và theo dõi đường máu liên tục 1 ngày 6 lần. Tiếp đến sau 2 tuần nếu không đạt kết quả mong muốn mẹ bầu sẽ được chuyển sang kiểm soát Glucose máu bằng tiêm thuốc Insulin.

 

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Bên cạnh việc áp dụng phác đồ điều trị được bác sĩ vạch ra, các mẹ cần:

 

- Không sử dụng các đồ ăn nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt. Hạn chế ăn các chất bột.

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ như 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ trong một ngày.

- Lựa chọn thực đơn có nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa.

 

Ngoài ra, các mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần ghi nhớ sau khi sinh cần xây dựng kế hoạch tập luyện thể dục tích cực và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa và trì hoãn sự phát tác của bệnh thành tiểu đường type 2.
 

 

Cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ


Căn bệnh này gây ra các ảnh hưởng rất xấu cho cả mẹ và bé. Vì vậy, cách tốt nhất chính là phòng bệnh. Mẹ bầu có thể thực hiện theo các lời khuyên sau của chuyên gia y tế, đó là:

 

- Xây dựng các kiến thức cơ bản để ngăn chặn bệnh thông qua việc tìm hiểu các yếu tố, nguy cơ gây tiểu đường thai kỳ .

- Thường xuyên vận động và tập luyện thể dục trước và trong khi mang thai.

- Nghiên cứu và áp dụng các chế độ, thực đơn lành mạnh, tốt cho cơ thể, tránh xa các thực phẩm gây nguy cơ bệnh.

- Có kế hoạch giảm cân hợp lý trước khi mang thai.

- Mẹ bầu khám thai đều đặn, đúng lịch theo các chỉ dẫn của bác sĩ, trong đó đặc biệt chú ý tới thời điểm khám sàng lọc tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 24-28.

 

Cảm ơn sự theo dõi của các mẹ qua bài viết mà Evacare cung cấp. Hy vọng bài viết trên đã truyền tải được những kiến thức bổ ích về bệnh tiểu đường thai kỳ! Chúc mẹ bầu thật nhiều sức khỏe, thuận lợi và bình an trong suốt thai kỳ để đón con yêu chào đời. 

 

Nếu bạn cần tư vấn chi tiết về cách chăm sóc mẹ bầu, chế độ dinh dưỡng mẹ bầu đừng quên liên hệ EVACARE để được tư vấn:
 

- Hotline: 0967 920 620

- Website: chamsocmebe24h.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/dichvutambeEvacare